Khác
7 thg 6, 2022
Quy định đăng ký giá, kê khai giá
Câu trả lời
Câu hỏi: Đăng ký giá là gì? Kê khai giá là gì? Cơ quan nào tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá và kê khai giá?
Sở Tài chính trả lời như sau:
1. Đăng ký giá: là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lập, phân tích việc hình thành mức giá và gửi biểu mẫu thông báo giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi định giá, điều chỉnh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá. Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá như sau:
- Sở Tài chính tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau: Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm: xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hỏa, dầu diezen, dầu mazut; Điện bán lẻ; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Phân đạm urê; phân NPK; Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Thóc, gạo tẻ thường.
- Sở Công Thương tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.
- Sở Y tế tiếp nhận, rà soát Biểu mẫu đăng ký giá đối với thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
* Các đơn vị gửi đăng ký giá cho Sở quản lý ngành tiếp nhận đồng thời gửi thêm 01 bản về Sở Tài chính.
- UBND cấp huyện theo phân công của UBND tỉnh thực hiện tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP trên địa bàn huyện. Các sở quản lý ngành có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về hàng hóa, dịch vụ đăng ký giá phân cấp cho UBND cấp huyện tiếp nhận, rà soát.
2. Kê khai giá: là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá:
Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP).
- Sở Tài chính tiếp nhận văn bản kê khai giá đối với hàng hóa dịch vụ sau: Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa; Điện bán lẻ; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Phân đạm urê; phân NPK; Thuốc bảo vệ thực vật; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Thóc, gạo tẻ thường; Xi măng, thép xây dựng; Thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản; thuốc thú y; Sách giáo khoa.
- Sở Công Thương tiếp nhận văn bản kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau: Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 06 tuổi theo quy định của Bộ Y tế.
- Sở Y tế tiếp nhận văn bản kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau: Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước.
- Sở Giao thông Vận tải tiếp nhận văn bản kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ sau: Cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi.
* Các đơn vị gửi kê khai giá cho Sở quản lý ngành tiếp nhận đồng thời gửi thêm 01 bản về Sở Tài chính.
- UBND cấp huyện theo phân công của UBND tỉnh thực hiện tiếp nhận văn bản kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định này trên địa bàn huyện; Sở Tài chính và các sở quản lý ngành có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về hàng hóa, dịch vụ kê khai giá phân cấp cho UBND cấp huyện tiếp nhận.