Đất đai
4 thg 11, 2021
Thủ tục hợp thức hóa phần đất dư bên ngoài sổ đỏ
Câu trả lời
Câu hỏi: Tôi muốn hợp thức hóa phần đất dư bên ngoài sổ đỏ. Xin hỏi quy trình và thủ tục hồ sơ như thế nào?

Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:

Căn cứ Quyết định 1801/QĐ-UBND ngày 02/7/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, quy định trình tự thực hiện và thành phần hồ sơ đối với thủ tục đăng ký biến động do thay đổi diện tích như sau:
Bước 1: Người sử dụng đất nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của UBND cấp huyện nơi có đất, tài sản gắn liền với đất hoặc nộp hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ:
- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ in biên nhận hồ sơ.
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn bổ sung cho đầy đủ, hợp lệ để tiếp nhận hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ trả lại không giải quyết, hồ sơ trả lại yêu cầu bổ sung thì UBND cấp huyện sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không giải quyết, trả lại gửi tổ chức, cá nhân.
- Trường hợp hồ sơ quá hạn thì UBND cấp huyện sẽ thông báo bằng văn bản gửi Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; gửi văn bản xin lỗi cho cá nhân, tổ chức về lý do quá hạn và thời hạn trả kết quả.
Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất kết hợp với đăng ký biến động về các nội dung của thủ tục này thì thực hiện thủ tục này đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ; chuyển hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 3: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, không quá 08 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ từ cơ quan tiếp nhận hồ sơ;
- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp, không quá 01 ngày;
-Thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp phải thuê đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và chuyển kết quả cho Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất sau khi người sử dụng đất đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính, không quá 01 ngày.
Thành phần hồ sơ:
(1) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
(2) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
(3) Một trong các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động:
- Văn bản công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đối với trường hợp cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình thay đổi họ, tên;
- Bản sao sổ hộ khẩu đối với trường hợp thay đổi người đại diện là chủ hộ gia đình; văn bản thỏa thuận của hộ gia đình được UBND cấp xã xác nhận đối với trường hợp thay đổi người đại diện là thành viên khác trong hộ;
- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân mới hoặc Giấy chứng minh quân đội mới hoặc thẻ Căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu, giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân của người có tên trên Giấy chứng nhận;
- Văn bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư được UBND cấp xã xác nhận đối với trường hợp cộng đồng dân cư đổi tên;
- Văn bản xác nhận của UBND cấp xã về tình trạng sạt lở tự nhiên đối với trường hợp giảm diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất do sạt lở tự nhiên;
- Chứng từ về việc nộp nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp có ghi nợ hoặc chậm nộp nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp người sử dụng đất được miễn giảm hoặc không phải nộp do thay đổi quy định của pháp luật;
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi hạn chế về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên Giấy chứng nhận đối với trường hợp có hạn chế theo quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp có thay đổi hạn chế theo văn bản chuyển quyền sử dụng đất thì phải có văn bản chấp thuận thay đổi hạn chế của người có quyền lợi liên quan, được UBND cấp xã xác nhận;
- Bản sao một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thể hiện nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin về tài sản gắn liền với đất đã ghi trên Giấy chứng nhận.
(4) Trường hợp thửa đất có thay đổi so với giấy tờ về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận thì thành phần hồ sơ còn bao gồm Mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý (có phân vị trí tính thuế) hoặc Mảnh trích lục địa chính; Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất (nếu có); Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất (nếu có).